Gợi ý lịch trình khám phá Tiền Giang 1 ngày

Cách Thành Phố Hồ Chí Minh chỉ khoảng 70km về phía Bắc, Tiền Giang là một trong những điểm đến thú vị, hấp dẫn để bạn ghé thăm. Chỉ với một ngày, chúng ta đã có được hành trình khám phá Tiền Giang khá cơ bản cùng gợi ý dưới đây.

Tiền Giang nổi tiếng với những vườn cây ăn trái rộng lớn, người dân thân thiện dễ mến. Du lịch Tiền Giang xuất phát từ Thành Phố Hồ Chí Minh, bạn có thể hoàn toàn khởi hành và trở về trong vòng 24 giờ.

Sáng

6h00: Đi từ TP HCM bằng xe ô tô trên cao tốc Trung Lương

Đoạn đường từ Sài Gòn về Tiền Giang, bạn sẽ được ngắm những cánh đồng lúa nước rộng bao la cùng hệ thống kênh rạch dài 24.000 km - hình ảnh quen thuộc của mảnh đất miền Tây trù phú. Nét đặc trưng khác ở khu này còn là những ngôi mộ chôn trong ruộng nhà với ý nghĩa nhắc nhở thế hệ sau gìn giữ và gần gũi với con cháu.

7h30: Dùng bữa sáng tại thành phố Mỹ Tho

Đến vòng xoay Thân Cửu Nghĩa, TP Mỹ Tho bạn có thể dừng chân dùng bữa sáng tại một trong hai nơi:

- Trạm dừng chân Mekong Restop nằm trên tuyến Quốc lộ 1A, qua khỏi vòng xoay một đoạn bên tay trái. Nơi đây chuyên phục vụ khách du lịch với không gian sân vườn đặc trưng miền Tây đồng thời là một trong những nhà hàng đẹp nhất Tiền Giang. Mỗi suất điểm tâm sáng có giá 80.000 – 100.000 đồng, gồm món mặn tự chọn như phở, hủ tíu, bánh canh, cơm tấm sườn và đồ uống.

- Nhà hàng Hương Việt (ngã tư Đồng Tâm, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) dành cho những ai muốn tiết kiệm. Bạn có thể dùng hủ tíu Mỹ Tho ở đây với giá 40.000 đồng mỗi tô. Địa điểm này là sự lựa chọn của các nhóm khách gia đình cũng như những tài xế thường ghé vào.

8h30: Tham quan Nhà lưu niệm của nhà văn Sơn Nam

Nhà lưu niệm ở ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho là một quần thể kiến trúc độc đáo, kiểu nhà Nam Bộ 3 gian, vừa cổ kính, vừa hiện đại. Lý do hướng nhà quay ra sông Bảo Định, phía trước trồng hàng cau, lũy tre là muốn tưởng nhớ hình ảnh một thời bán củi tre, cau của gia đình ông. Đồng thời, khung cảnh tái hiện phần nào bức tranh quê hương nhà văn này ở Rạch Giá, Kiên Giang.

Ngay lối ra sân, bên phải là tượng nhà văn Sơn Nam tạc trên một phiến đá. Bên trái là bút tích bài thơ lấy làm lời tựa cho quyển “Hương rừng Cà Mau”. Nhà lưu niệm trưng bày một tủ kính các quyển sách về tác phẩm văn học nổi tiếng của ông.

Nổi bật giữa ngôi nhà là bức tranh thư pháp sơn son thếp vàng hình con cá có chữ Phú Quý (nghệ thuật thư pháp người Hoa) mang nghĩa vinh hoa phú quý. Chữ “quý” nằm ở giữa, trùng ngay vị trí dạ dày cá, thể hiện cốt cách, tôn trọng cái đẹp về nhân cách và quý trọng tình người.

10h 00: Tham quan cồn Thới Sơn, thưởng thức trái cây, nghe đờn ca tài tử

Đến bến tàu du lịch số 1, bạn lên thuyền đi vào khu du lịch Thới Sơn và ngắm cảnh trên sông Tiền. Cồn Thới Sơn hay còn gọi là cồn Lân có hình dáng như “long chầu” trong cung đình Huế, sở hữu cái “nhất” về tuổi đời cao, diện tích lớn và cũng được coi là đẹp, hài hòa nhất trong “Tứ linh” (Long, Ly, Quy, Phụng).

Đi thuyền trên sông Tiền, bạn dễ nhận ra cầu Rạch Miễu nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Đây là cây cầu dây văng đầu tiên do kỹ sư Việt Nam xây dựng với sự góp sức của công ty Thụy Sĩ về mặt kỹ thuật, dài 8.331 m, trụ tháp cao 106 m và đóng dưới lòng sông sâu 90 m.

Sau 15 phút, thuyền cập bến tại khu du lịch Thới Sơn. Bạn đi xe ngựa vào vườn trái cây để thưởng thức sáu loại quả ngon gồm thơm, thanh long, chuối, đu đủ, hồng xiêm, mít. Cách ăn lý tưởng nhất là từ chua trước đến ngọt sau.

Trong lúc nhâm nhi trái cây, bạn có thể tận hưởng những thanh âm mượt mà, sâu lắng từ tiếng đàn, lời ca qua dòng nhạc tài tử. Bộ nhạc cụ biểu điễn đờn ca tài tử Nam Bộ gồm đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu.

Trưa

11h00: Ngồi xuồng ba lá, khám phá hệ thống kênh rạch miền Tây, thưởng thức trà mật ong

Đi bộ xuyên qua khu vườn cây, bạn ra đến bến đò nhỏ. Từ đây, người phụ nữ với chiếc áo bà ba, quàng khăn rằn, chèo xuồng ba lá trên kênh rạch đưa bạn đến làng nghề nuôi ong lấy mật. Tại đó, du khách sẽ được thưởng thức trà mật ong, gặp gỡ, trò chuyện cùng những người dân Nam Bộ chân chất.

Mỗi chiếc xuồng chở tối đa 5 khách, trong đó có một người cầm chèo chính và một người phụ. Họ không chèo bằng cách đứng mà lại ngồi (gọi là bơi) vì vùng kênh rạch ở đây nhỏ hẹp, nhiều cây dừa nước đan xen tàu lá ở phía trên, bên dưới là cây bần. Chiếc xuồng len lỏi qua những con kênh chằng chịt được xem là trải nghiệm thú vị.

12h30: Dùng bữa trưa

Bạn có thể dùng cơm trưa tại nhà hàng Thới Sơn với các món đặc trưng vùng miền như cá tai tượng chiên xù, xôi chiên phồng, lẩu chua tép, dưa cải xào trứng, thịt kho tiêu.

Chiều

14h00: Tham quan cồn Phụng và di tích đạo Dừa

Rời cồn Thới Sơn, du khách lên thuyền lớn để qua Cồn Phụng - nơi có di tích đạo Dừa do ông Nguyễn Thành Nam lập ra từ những năm 1960. Giá vé tham quan cồn Thới Sơn và cồn Phụng từ 70.000 đồng một khách (bao gồm vé đi thuyền lớn, xuồng ba lá và xe ngựa).

Thuyền đến đoạn Rạch Gầm, Xoài Mút – nơi ghi dấu chiến công của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ tiêu diệt năm vạn quân Xiêm. Sang thế kỷ XX, nơi đây ghi đậm chiến công của các “dũng sĩ diệt Mỹ” trên vành đai Bình Đức nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cồn Phụng còn nhiều di tích đạo Dừa như tháp Hòa Bình, sân Rồng, chùa Nam Quốc Phật và cổng tam quan. Tháp Hòa Bình là tòa tháp có kiến trúc lạ mắt, nơi ông đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo. Sân Rồng có 9 con rồng vàng, thể hiện ước mơ làm vua của ông lúc bấy giờ. Chùa Nam Quốc Phật có hình dạng giống hàm của con rồng. Trong chùa có phòng Nội Các – nơi ông và những tín đồ bàn công chuyện.

15h30: Kết thúc hành trình và trở về TP HCM

Theo VNExpress

Comments